Quá trình lão hóa ở người cao tuổi và cách khắc phục ảnh hưởng tới cơ thể

Quá trình lão hóa ở người cao tuổi và cách khắc phục ảnh hưởng tới cơ thể

SKĐS - Quá trình lão hóa của chúng ta là quy luật tất yếu của tự nhiên không thể thay đổi được. Ở tuổi bắt đầu lão hóa dễ nhận thấy tóc bạc, da nhăn, lưng gù… Tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu có biện pháp nào ngăn ngừa, khắc phục được quá trình lão hóa đến sớm hay không. Việc thay đổi sinh lý cũng như các biến đổi khác của cơ thể nhận biết và xử trí thế nào.


Trên thực tế chúng ta thấy rằng có một số người trẻ lâu, trong khi đó có một số người già rất nhanh hơn so với tuổi. Cơ thể mỗi người không phải ai cũng phát triển đúng theo tuổi thật và như vậy người già trước tuổi là người đó có tuổi sinh học lớn hơn tuổi thật.1. Quá trình lão hóa, sự ảnh hưởng và các biện pháp khắc phục

Việc người trẻ hoặc già hơn tuổi thật là còn tùy thuộc vào di truyền, bệnh lý, chế độ ăn và lối sống sinh hoạt hàng ngày. Trong cuộc sống nếu chúng ta tích lũy sai lầm quá nhiều sẽ dẫn đến già trước tuổi và nhiều bệnh xuất hiện sớm hơn so với tuổi sinh học.

Chính vì thế ngay từ khi trẻ chúng ta nên có chế độ ăn hợp lý và thường xuyên hoạt động thể lực sẽ hạn chế bị mất cơ và loãng xương nên sẽ trẻ khỏe lâu. Dưới đây là những thay đổi thường gặp trong quá trình lão hóa ở người cao tuổi.


Khi tuổi càng cao thì việc lão hóa ở hệ tim mạch cũng sẽ thay đổi. Thay đổi chức năng co bóp của tim giảm, giảm khối lượng tuần hoàn, van tim xơ cứng, vôi hóa, hệ thống dẫn truyền xung điện trong tim rối loạn, hệ động mạch bị xơ vữa, hệ van tĩnh mạch suy dãn…1.Tim mạch và sự lão hóa

‎Hậu quả có thể xảy ra là giảm khả năng thực hiện các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức. Lưu lượng máu giảm và các rối loạn nhịp tim có thể gây nên tình trạng chóng mặt, hồi hộp, khó thở…

‎Và khi đó người cao tuổi có thể mắc các bệnh lý về van tim (hẹp, hở van tim); các bệnh cơ tim ( cơ tim dãn, dày cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim…);các bệnh lý về mạch máu (tăng huyết áp, động mạch vành, mạch máu não, mạch máu chi...)...

‎Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này là điều mà chúng ta ai cũng quan tâm. Theo các nghiên cứu, luyện tập thường xuyên không đủ để ngăn ngừa đồng thời cả lão hóa hệ tim mạch và bệnh tim mạch nhưng luyện tập có thể làm giảm cholesterol từ đó giảm xơ cứng và xơ vữa động mạch.

Điều này cũng cho thấy luyện tập cũng làm giảm huyết áp và giảm cân từ đó giảm mức độ gắng sức cho tim. ‎Các đánh giá thường xuyên về tình trạng tim mạch được khuyến cáo để dự đoán sớm các biến đổi bệnh lý, khi mà họ còn tuân thủ điều trị. Vì hệ tim mạch là một trong những cơ quan trọng nhất của cơ thể nên hoạt động chức năng hiệu quả của nó rất quan trọng. 

 Bởi vậy, việc luyện tập thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng. Tuy nhiên, người già cũng nên chú ý tới cường độ vận động nghĩa là nên bắt đầu vận động một cách từ từ cho đến khi cơ thể đã thích nghi với cường độ vận động mới.

Quá trình lão hóa ở người cao tuổi và cách khắc phục ngăn ngừa lão hóa sớm - Ảnh 2.

Người cao tuổi nên chú ý tới cường độ vận động khi luyện tập một cách từ từ cho đến khi cơ thể đã thích nghi.

2. Chức năng hô hấp và quá trình lão hóa

Khi tuổi càng cao cũng như các bộ phận khác của cơ thể thì hệ hô hấp, các chức năng của phổi cũng có xu hướng lão hóa, việc này thể hiện phổi kém đàn hồi, hạn chế chức năng trao đổi khí.

‎‎Khả năng hấp thụ oxy vào máu động mạch ở người có tuổi cũng giảm, ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy cho mô. Thông khí tối đa giảm rõ ở người cao tuổi phản ánh dự trữ hô hấp giảm, lồng ngực kém di động hơn tạo lực cản lớn làm giảm hiệu quả hô hấp… đặc biệt ảnh hưởng nhiều ở các đối tượng có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, hút thuốc lá…

Hậu quả này sẽ gây tình trạng khiến người cao tuổi khó thở, thiếu không khí, ảnh hưởng tới hoạt động chung, đặc biệt các hoạt động có gắng sức, từ đó dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. khi chức năng hô hấp nó cũng dần ảnh hưởng tới các cơ quan khác ( não, tim…)

‎Để khắc phục người cao tuổi cần có môi trường sống lành mạnh, không tiếp xúc với các yếu tố độc hại ( khói thuốc lá, ô nhiễm không khí…). Thường xuyên tập luyện, có các hoạt động phù hợp với tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Dinh dưỡng hỗ trợ cũng có vai trò quan trọng trong việc cải thiện hô hấp cho người cao tuổi.

‎3. Chức năng tiêu hóa và quá trình lão hóa

Điều có lẽ dễ nhận thấy ở quá trình lão hóa ở hệ tiêu hóa của người tuổi cao là sự khó khăn trong nhai và nuốt thức ăn, ít được chăm sóc răng miệng kĩ lưỡng từ khi còn trẻ. Các vấn đề viêm lợi, bệnh quanh răng, rụng răng và tăng cảm giác răng trở nên rất phổ biến. Giảm nhu động thực quản làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa dẫn tới người già phải nhai lâu hơn và ăn chậm hơn.

Giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch vị dạ dày gây giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Giảm nhu động của đại tràng cản trở thức ăn di chuyển trong phần còn lại của ống tiêu hóa và đi ra ngoài cơ thể.

Tăng thời gian lưu thông của khối thức ăn trong ruột làm tái hấp thu nước nhiều hơn dẫn tới tỉ lệ táo bón gia tăng ở người cao tuổi

‎Hậu quả khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề thì sẽ dẫn đến tình trạng dinh dưỡng giảm sút, người cao tuổi sẽ gầy yếu, suy kiệt, táo bón, hoặc đại tiện không tự chủ.

‎Để khắc phục người cao tuổi cần có chế độ ăn giàu chất xơ và đẩy đủ thành phần, đủ nước và luyện tập thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị các rối loạn tiêu hóa thường gặp. Với bệnh nhân không đủ minh mẫn, cần phải luyện tập thói quen đi đại tiện.

4. Chức năng của xương khớp và quá trình lão hóa

Đa số người cao tuổi đều than phiền về việc đau nhức xương khớp. Quá trình lão hóa theo tuổi hệ xương khớp có nhiều thay đổi. Đầu tiên việc giảm khối lượng xương diễn ra dưới dạng mất canxi xương. Khối lượng từng đơn vị cơ của các nhóm cơ lớn cũng giảm dần theo thời gian. Dịch khớp giảm, tình trạng thoái hóa khớp tăng dần theo tuổi…Hậu quả dẫn đến hệ xương trở nên giòn và yếu, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi. Hạn chế khả năng vận động do thoái hóa khớp, đau khớp.

‎Để khắc phục tình trạng này, việc tập thể dục rất cần thiết để duy trì sức khỏe tuổi già. Có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên người cao tuổi bao gồm khả năng duy trì sức mạnh và sức dẻo dai của hệ cơ xương khớp suốt những năm tháng về sau. Thực hiện việc luyện tập, tất cả người cao tuổi nên được khuyến khích để tìm một chương trình luyện tập mà họ yêu thích và có thể tham gia thường xuyên. Luyện tập thường xuyên giúp làm chậm quá trình lão hóa trên hệ cơ xương khớp.

‎‎‎‎Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thực phẩm giầu canxi để bảo vệ xương khớp.Có thể bổ sung, dùng các thuốc tốt cho hệ xương khớp (chống loãng xương, bù canxi, tăng dịch khớp…) nhưng cần tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ.

Tóm lại: Chúng ta thấy khi về già, các cơ quan có những biến đổi nhất định, và diễn ra đồng thời với nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Việc hiểu về quá trình lão hóa, hệ lụy và những biện pháp khắc phục, ngăn chặn hạn chế được phần nào quá trình lão hóa sớm là vô cùng quan trọng. Để từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp trong việc chăm sóc, điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

                                                                                        Nguồn: Sức khỏe & Đời sống