Với mục tiêu giúp cho người nhiễm HIV/ AIDS được sống khỏe mạnh hòa nhập cộng đồng thì công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị là một trong những hoạt động quan trọng đối với người nhiễm HIV/ AIDS. Tháng 10 năm 2010 được sự giúp đỡ của Dự án Quỹ toàn cầu, phòng khám và điều trị ngoại trú OPC tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái thành lập, được đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật khá đầy đủ và đồng bộ với một đội ngũ cán bộ khi thành lập có 04 cán bộ, đã kiện toàn nhiều lần, đến nay hiện có 7 cán bộ (3cán bộ ban chỉ đạo, 4 càn bộ phụ trách phòng) đã qua chương trình đào tạo, tập huấn theo quy trình hướng dẫn của dự án Quỹ toàn cầu. Đây được coi là một dịch vụ chất lượng cao về điều trị HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian qua, kết quả điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS tại phòng điều trị ngoại trú (OPC) của Trung tâm Y tế thành phố tính đến tháng 11/2017 có tổng số bệnh nhân lũy tích điều trị ARV là 342 người bệnh (thành phố Yên Bái, huyện Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang,... Trong đó có 232 người bệnh có Bảo hiểm y tế) trong đó có 06 trẻ em, đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng: 02 người bệnh, đang được hưởng các dịch vụ từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, giúp cho họ được cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ riêng trong năm 2017, tính đến thời điểm tháng 11, tổng số người bệnh tử vong: 02 người bệnh, TS chuyển đi: 13 người bệnh, TS chuyển đến: 15 người bệnh, TS điều trị bỏ cuộc: không. Người bệnh đến phòng khám ngoại trú OPC được làm xét nghiệm tải lượng vi rút, tập trung cho các đối tượng nguy cơ cao, để đánh giá mức độ của bệnh, với trường hợp HIV dương tính thì phòng khám cung cấp dịch vụ toàn diện như: điều trị ARV, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ,... tất cả các hoạt động trên người bệnh được miễn phí hoàn toàn.
Trung tâm chỉ đạo 17 trạm y tế xã/ phường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, như: phân phối các tài liệu truyền thông; tổ chức các buổi tuyên truyền cho nhân dân và các đối tượng có nguy cơ cao nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho người dân, từ đầu năm đến tháng 11 đã có 141 lượt phát thanh, TS lần nói chuyện sức khỏe 165 buổi truyền thông với 3806 người tham dự, TS lần thảo luận nhóm 227 buổi với 1731người tham dự, thăm 112 hộ gia đình với 141 người tham dự. Từ đó, rất nhiều người bệnh tự nhận biết mình có nguy cơ tìm đến phòng khám OPC, anh Lộc Tuấn Anh thường trú tổ 13, phường Yên Thịnh cho biết: “Thông qua loa đài, các buổi truyền thông trực tiếp tôi nhận thấy bản thân mình có nguy cơ cao nhiễm HIV, bản thân chủ động đi làm xét nghiệm, kết quả nhiễm HIV, tôi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các y, bác sĩ phòng khám OPC tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái tư vấn, hướng dẫn điều trị, khám định kỳ, cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng,…giúp bản thân tôi có thêm nghị lực vào cuộc sống”.
Các Điều dưỡng viên, bác sỹ phòng khám OPC đều là kiêm nhiệm nên ngoài một ngày khám trong tuần, các đồng chí phải trở lại với các công việc của khoa phòng mình. Bs Vũ Việt Dương -trưởng nhóm điều trị-trưởng khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: “ Việc sắp xếp công việc tập chung vào điều trị tại phòng khám OPC hết sức khoa học, đảm bảo đúng nguyên tắc, phác đồ điều trị của từng người bệnh, cùng với sự tuân thủ điều trị nên đối với các bệnh nhân ổn định về sức khỏe được chuyển về 8 điểm xã/ phường (phường Yên Thịnh, phường Đồng Tâm, phường Hồng Hà, phường Yên Ninh, phường Thái Học, phường Nguyễn Phúc, xã Tuy lộc, phường Hợp Minh) cấp phát thuốc điều trị ngoại trú, giúp người bệnh không phải đi xa, giảm tải cho phòng khám, thuận tiện trong điều trị, theo dõi, giám sát định kỳ hạn chế mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao.”.
Mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng công tác phòng chống HIV/ AIDS vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà theo ông: Nguyễn Văn Chiến-PGĐ Trung tâm Y tế thành phố-phó Ban chỉ đạo phòng chống HIV/ AIDS cho biết: “Trong thời gian tới dự án cắt giảm, người bệnh được tư vấn, chăm sóc, điều trị thông qua nguồn Bảo hiểm Y tế, đây là một trở ngại lớn cho công tác điều trị, bởi người bệnh nhiễm HIV/ AIDS đại đa số không có điều kiện kinh tế sẽ dẫn tới bỏ điều trị và kháng thuốc. Trong khi đó, số bệnh nhân đang điều trị tham gia Bảo hiểm y tế mới đạt 67,8% tổng số người bệnh đang điều trị tại phòng khám OPC Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái”.
Thời gian tiếp theo, cần có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV/ AIDS phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/ AIDS đến năm 2020 và 100% người nhiễm HIV/ AIDS có thẻ BHYT được khám, điều trị thông qua nguồn BHYT tại phòng khám OPC Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái giúp người nhiễm HIV/ AIDS có thêm động lực tiếp tục vươn lên xóa bỏ mặc cảm, sống hòa nhập cộng đồng.