Phân biệt bệnh viêm da do kiến ba khoang và zona

Viêm da tiếp xúc do côn trùng (nhất là kiến ba khoang) rất hay bị chẩn đoán nhầm là zona. Tuy nhiên, zona thường có triệu chứng toàn thân trước, vết thương đau nhức còn viêm da do côn trùng xuất hiện...

1. Viêm da tiếp xúc gây ra bởi côn trùng:
Có nhiều loại côn trùng gây viêm da, ở đây chỉ đề cập đến trường hợp viêm da có triệu chứng lâm sàng gần giống với zona. Bệnh trước đây thường xuất hiện vào những tháng giao mùa, có mưa bão, đã có nơi thành dịch. Cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác loại côn trùng nào gây bệnh. Một số tác giả cho rằng nguyên nhân có thể là do kiến ba khoang (tùy theo từng địa phương mà có các tên như: kiến kim, kiến lác, kiến cong đít, kiến nhốt, kiến cằm cặp...), tên khoa học là Paedérus, là loại côn trùng cánh cứng có ở khắp nơi trên thế giới nhưng thường thấy ở những vùng nhiệt đới nóng ẩm như châu Á và châu Phi. Thân dài mảnh, khoảng 7-10 mm, có 3 đôi chân, thân có 2 vòng đỏ, 3 vòng đen, có khả năng bay và chạy rất nhanh, thích ánh đèn nhất là đèn huỳnh quang.
Kiến ba khoang thường ẩn náu ở bờ ruộng, dưới những đống vật liệu dư thừa, quanh gốc rạ, bãi cỏ, bụi cây, ruộng rau, những nơi đang xây dựng dở dang, những bãi rác thải. Sau những cơn mưa bị ngập nước không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn... Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì sẽ xuất hiện bệnh ngay tại vùng đó.  
Triệu chứng:
- Bệnh thường xuất hiện đột ngột sau buổi sáng ngủ dậy, ở những vùng hở như: cổ, mặt, tay, chân..., Cũng có thể ở những vùng da khác nhưng ít gặp hơn, thường là một thương tổn ở một hoặc hai bên, viêm đỏ giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài. Người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa, kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng nhạt giống như mụn mủ, ở những nếp gấp thì thương tổn có thể bị cả 2 bên mặt. Nếu điều trị đúng thì sau khoảng 5 đến 7 ngày tổn thương sẽ khô, toàn trạng thường không mấy thay đổi, có thể bội nhiễm hoặc lan rộng và thành dịch.
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng.
Điều trị:
- Tại chỗ: Rửa thương tổn bằng các dung dịch như nước muối sinh lý, hoặc nước sạch để trung hòa hóa chất gây bỏng do côn trùng gây ra, dùng các thuốc bôi làm dịu như: hồ nước, kem kẽm, kem corticoid... Nếu nhiễm trùng ta có thể dùng thêm kem kháng sinh tại chỗ. Kháng histamin thường chỉ có tác dụng làm giảm kích ứng và giảm ngứa mà thôi.
- Toàn thân: Hầu như không cần can thiệp gì trừ khi có biểu hiện bội nhiễm.
Tiến triển: Nếu điều trị đúng và kịp thời, khỏi trong khoảng 1 tuần, không để lại sẹo.
Phòng bệnh:
- Nếu cửa sổ không có lưới che thì nên đóng lại mỗi khi có mưa vào buổi chiều tối và cẩn thận khi làm việc dưới ánh đèn.
- Kiểm tra khăn mặt, quần áo, giường, chiếu... trước khi sử dụng.
- Làm sạch các đống vật liệu, đống rác quanh nhà.
- Không phơi quần áo, khăn mặt ở bên ngoài mỗi khi có mưa vào buổi chiều tối.
- Nếu phát hiện côn trùng thì tránh tiếp xúc trực tiếp, tìm cách loại chúng đi mà không để côn trùng tiếp xúc với da của mình.
- Nên đi khám chuyên khoa da liễu, không tự ý mua thuốc điều trị.
2. Bệnh zona (herpes zoster, zoster, shingles) do Varicella - Zoster virus gây ra.
Triệu chứng: Thường gặp ở những người trước đã bị thủy đậu, sau đó virus di chuyển đến sống tiềm ẩn tại các hạch cảm giác ở thần kinh vùng thắt lưng. Khi cơ thể suy nhược, mệt mỏi, hoặc sau những ngày làm việc căng thẳng, mắc các bệnh khác làm suy giảm miễn dịch như bệnh lao, AIDS... thì virus sẽ theo đường thần kinh tái hoạt gây bệnh.
- Khởi đầu thường sốt nhẹ khoảng 380C, nhức đầu, mệt mỏi, đau xương sống, đau nhức dọc theo dây thần kinh vùng da chuẩn bị nổi thương tổn và chỉ xuất hiện ở một bên người (trừ trường hợp ở bệnh nhân AIDS).
- Tiếp theo là nổi những mụn nước, thường liên kết lại với nhau (dính chùm), quan sát kỹ có thể thấy lõm giữa trên bề mặt của mụn nước.
- Đau nhức chứ không ngứa, tuổi càng lớn mức độ đau nhức càng tăng.
- Vị trí hay gặp là liên sườn.
- Thường có viêm hạch liên quan.
Điều trị: Bằng Acyclovir đường uống và đường bôi, chống viêm, giảm đau và an thần.
Tiến triển: Bệnh sẽ khỏi trong 2 đến 3 tuần, sau khi lành bệnh có thể để lại dấu hiệu giảm sắc trên da, ở bệnh nhân lớn tuổi thì đau sau zona là rất thường gặp.
3. Những chú ý và chẩn đoán phân biệt: Những yếu tố dẫn đến nhầm lẫn hai bệnh này là:
- Thương tổn đau rát của viêm da tiếp xúc do côn trùng dễ nhầm với đau nhức của zona.
- Da vùng tổn thương đều bị viêm đỏ.
- Càng dễ lầm khi viêm da tiếp xúc do côn trùng khu trú ở một bên (vì zona thường chỉ bị một bên)
Chẩn đoán phân biệt hai bệnh:

Zona

Viêm da tiếp xúc do côn trùng

Có tiền triệu 

Xuất hiện đột ngột, không tiền triệu

Mụn nước liên kết, dính chùm  

Mụn nhỏ giống mụn mủ, thành vệt 

Đau nhức 

Bỏng rát

Xuất hiện một bên người (trừ AIDS)

Xuất hiện một hoặc 2 bên người

Bệnh không liên quan đến thời tiết 

Bệnh thường thấy sau cơn mưa chiều tối trước đó

Thường không tái phát 

 Có thể tái phát

Bệnh xuất hiện riêng lẻ

 Có thể nhiều người cùng bị bệnh

Tổn thương không qua nếp gấp

 Tổn thương cả 2 mặt nếp gấp

 Khỏi bệnh sau khoảng 2 đến 3 tuần

 Khỏi bệnh sau khoảng 5-7 ngày

 Khỏi thường để lại dấu giảm sắc 

 Khỏi thường không để lại dấu vết

Kết luận:
- Hai bệnh này có tỷ lệ nhầm lẫn là rất cao, do vậy cần phân biệt trước khi tiến hành điều trị.
- Không điều trị nếu chưa rõ chẩn đoán.
- Điều trị viêm da tiếp xúc gây ra bởi côn trùng rất đơn giản như đã trình bày, có thể áp dụng ở tất cả các tuyến y tế cơ sở.
- Nên có tuyên truyền cộng đồng để phòng tránh.
                                Khoa Nhi
               (Trung tâm y tế thành phố Yên Bái)

Để lại bình luận của bạn

NewsDetails.AddComment.Fields.CountEmty