Hưởng ứng ngày thính lực quốc tế 03/3: Chăm sóc thính giác, phòng mất thính lực

Hưởng ứng ngày thính lực quốc tế 03/3: Chăm sóc thính giác, phòng mất thính lực

Ngày thính giác thế giới được tổ chức vào 3/3 hàng năm là một chiến dịch do Văn phòng Phòng chống Mù và Điếc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức. Mục tiêu của chiến dịch là chia sẻ thông tin và thúc đẩy các hành động hướng tới phòng chống mất thính lực và cải thiện chăm sóc thính giác.  

 

Theo số liệu của WHO, tới nay có hơn 5% dân số thế giới – khoảng 466 triệu người bị suy giảm thính lực. Đến năm 2050, hơn 900 triệu người trên toàn cầu sẽ bị suy giảm thính lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Phần lớn những người bị suy giảm thính lực sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng một phần ba số người trên 65 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm thính lực. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm thính lực ở người trẻ cũng ngày càng có xu hướng gia tăng.

Hưởng ứng ngày thính lực quốc tế 03/3: Chăm sóc thính giác, phòng mất thính lực

 

Một số nguyên nhân chính gây suy giảm, mất thính lực 

Tiếp xúc với tiếng ồn: Việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc trung bình lớn trong một thời gian dài có thể gây tổn thương các mô mềm của tai trong. Tế bào thần kinh ở tai trong sẽ bị phá hủy nếu tiếp xúc liên tục hoặc lặp đi lặp lại với những âm thanh lớn, điều này dẫn tới suy giảm thính lực và có thể mất thính lực vĩnh viễn. Một số ngành nghề tiếp xúc với tiếng ồn có thể gây suy giảm thính lực như: công nhân, giao thông vận tải, xây dựng, thợ mộc, người cắt cỏ, nha sĩ,… 

Sử dụng các loại thuốc chữa bệnh: Một số loại thuốc chữa bệnh có thể gây độc tai trong, gây mất thính lực như các kháng sinh nhóm aminosid, các thuốc lợi tiểu (furosemid), thuốc giảm đau (aspirin), chống loạn nhịp (quinidin), thuốc hạ huyết áp (resepine). 

Bệnh tật: Một số bệnh như sởi, quai bị, rubella (sởi Đức) và viêm màng não có thể gây mất thính lực.

Do tuổi tác: Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa dẫn tới da ống tai ngoài dần dần bị teo, mất nước, màng nhĩ dày đục, xuất hiện các mảng xơ nhĩ, chuỗi xương con ở tai giữa bị tổn thương dạng xốp xơ, hiện tượng canxi hóa các khớp xương trong chuỗi dẫn truyền âm thanh làm suy giảm thính lực.

Dùng tai nghe thường xuyên: Sử dụng tai nghe liên tục không phải là một thói quen tốt, tuy nhiên đại đa số các bạn trẻ đang mắc phải. Việc đeo tai nghe liên tục nhiều giờ trong ngày có thể làm hỏng các tế bào lông trong ốc tai và khiến thính lực bị suy giảm, có thể dẫn tới mất thính lực.

Thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, thuốc lào...: Đây không chỉ là thói quen xấu, là tác nhân của nhiều bệnh như tim mạch, ung thư phổi,… mà còn là nguyên nhân làm nặng thêm tình trạng suy giảm thính lực.

Biện pháp chăm sóc thính giác, phòng mất thính lực 

Thính giác và giao tiếp tốt rất quan trọng với mỗi người trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Chính vì thế việc cải thiện chăm sóc thính giác, phòng mất thính lực rất quan trọng. Có thể tránh được suy giảm, mất thính lực (và các bệnh về tai liên quan) thông qua các biện pháp phòng ngừa như: 

- Bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn, khi buộc phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn, hãy sử dụng những phương tiện bảo hộ chẳng hạn như nút tai, cái bịt tai hoặc cả hai.

- Thực hiện chăm sóc tai tốt: làm khô tai sau khi tắm; tránh bơi ở những nơi nước bẩn; không nên dùng tăm bông ngoáy thường xuyên, việc này có thể làm tổn thương những chỗ da mỏng và tác động mạnh vào màng nhĩ.

- Uống thuốc chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ, gặp bác sĩ ngay nếu có những triệu chứng không bình thường như ù tai trong thời gian sử dụng thuốc.

- Tiêm phòng cho trẻ: những bệnh có thể gây mất thính lực như sởi, quai bị, rubella đều có vắc xin phòng bệnh, vậy nên ngay từ khi còn nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.

- Thực hành lối sống lành mạnh, tránh các chấn thương tai (đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô…).

- Những người có nguy cơ suy giảm, mất thính lực như công nhân, người cao tuổi,… nên kiểm tra thính lực thường xuyên.

- Những người bị giảm thính lực có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ như máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai… và tới cơ sở y tế tái khám định kỳ.

Hãy luôn nhớ, một khi thính lực đã bị tổn thương, thường không thể hồi phục được vì thế cần chăm sóc thính giác, bảo vệ thính lực của bạn.

 

Nguồn: SKĐS

 
Để lại bình luận của bạn

NewsDetails.AddComment.Fields.CountEmty