Để mỗi gia đình thực sự bình an - hạnh phúc

Để mỗi gia đình thực sự bình an - hạnh phúc

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững. Với tầm quan trọng của gia đình, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để mỗi gia đình thực sự bình an - hạnh phúc

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước quán triệt trong Nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng và trong các bộ luật liên quan, với các nội dung hướng tới việc củng cố vị trí, vai trò và chức năng của gia đình. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về gia đình và công tác gia đình, từ khi có Quyết định của Chính phủ lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, mỗi năm đều có một chủ đề về ngày Gia đình Việt Nam và tháng hành động vì gia đình. Đây cũng là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, về người thân, nuôi dưỡng những tình cảm, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Dù có đi đâu, làm gì, mỗi người Việt Nam luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.

 

Hiện nay, các gia đình thường gặp phải những vấn đề khó khăn mang tính thời đại, bên cạnh những điều tốt đẹp, những bước phát triển mới, tiến bộ, thuận lợi còn phải đối diện với rất nhiều thách thức và bước đầu có dấu hiệu của sự khủng hoảng. Do đó, có một gia đình bình an - hạnh phúc là một trong những điều tuyệt vời nhất đối với bất kỳ ai. Vậy, một gia đình “bình an - hạnh phúc” phải cần có những tiêu chí cụ thể như thế nào là điều chúng ta phải quan tâm. Có thể mỗi người có quan niệm về một gia đình bình an - hạnh phúc khác nhau, nhưng có lẽ nhiều người sẽ đồng tình với những tiêu chí sau đây: 

 

Mỗi thành viên trong gia đình quan tâm chia sẻ và biết lắng nghe ý kiến của nhau, bởi sự quan tâm chia sẻ sẽ tạo nên sự kết nối bền chặt giữa các thành viên trong gia đình; còn biết lắng nghe ý kiến của nhau nhất là ý kiến của con trẻ sẽ khiến mỗi người thấy mình được tôn trọng, được quan tâm, bản thân con cái cảm thấy mình quan trọng vì được cha mẹ tin tưởng, từ đó hình thành ở các em ý thức xây dựng gia đình ngay từ khi còn nhỏ. 

 

Mỗi thành viên trong gia đình đều có nghĩa vụ và trách nhiệm hoàn thành công việc của mình. Các con phải chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, hiểu thảo với ông bà, cha mẹ. Cha mẹ cùng nhau tích cực làm việc, tạo dựng kinh tế, chăm sóc, nuôi dạy con cái, báo hiếu ông bà. Đồng thời, mỗi người phải tự rèn luyện sức khỏe và biết cách tự chăm sóc bản thân để không làm phiền đến người khác… Và khi mọi thành viên trong gia đình đều làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình thì cả gia đình đều vui vẻ, hạnh phúc.

 

Các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ đều được tôn trọng và quan tâm tâm lẫn nhau thì sẽ tạo nên sự bình đẳng. Trong một gia đình, việc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng, đó là nền tảng cho một gia đình bình an - hạnh phúc. Tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ là biểu hiện sự thiếu tôn trọng sẽ làm tổn thương đến tình cảm vợ chồng, con cái. Một gia đình mà không có sự tôn trọng của các thành viên dành cho nhau thì chắc chắn gia đình đó khó có được sự bình an - hạnh phúc.

 

Dành thời gian cho những bữa ăn gia đình và cùng nhau trò chuyện là sợi dây kết nối tình cảm gia đình. Đây là điều tưởng đơn giản nhưng thực tế lại khó thực hiện bởi guồng quay hối hả của cuộc sống hiện nay. Những bữa cơm gia đình cả nhà quây quần bên nhau tạo nên không khí gia đình đầm ấm hơn, là khoảnh khắc để mọi người cảm nhận được hạnh phúc. Dành nhiều thời gian nói chuyện cùng nhau để giúp các thành viên giải bày được tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ với nhau niềm vui cũng như nỗi buồn, từ đó không chỉ hiểu nhau hơn mà còn có thể giúp nhau giải quyết được khó khăn, vướng mắc. 

 

Tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình sẽ giúp mọi người thấu hiểu và thông cảm cho nhau. Bởi trong một gia đình mỗi người có một tính cách khác nhau, do đó muốn thuận hòa cần tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên, từ đó mọi người mới thấu hiểu và thông cảm cho nhau. Để làm được điều này, cần phải khắc phục tính độc đoán, gia trưởng của người làm cha, làm chồng, đồng thời khuyến khích ý kiến góp ý của con cái. 

 

Gia đình phải có điều kiện về kinh tế - tài chính, thì các thành viên mới có điều kiện chăm sóc sức khỏe, được học tập, phát triển toàn diện bản thân và thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Trong xã hội phát triển hiện nay, quan niệm hạnh phúc chỉ cần “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” sẽ không còn phù hợp nữa, mặc dù tình yêu thương vẫn là sợi dây kết nối giữa mọi người trong gia đình - nhân tố bảo đảm cho sự bền vững của hạnh phúc gia đình.

 

Hãy luôn coi gia đình là số 1, bởi gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì giống nòi, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội... Gia đình đồng thời cũng là nơi chốn để ta đi về sau một ngày bận rộn với công việc; là nơi bình yên nhất mà mọi người có được và khi gia đình là một tổ ấm bình an - hạnh phúc thì sẽ là chỗ dựa vững chắc cho ta suốt cuộc đời. Vì vậy, mọi người hãy luôn luôn quan chăm sóc, xây dựng gia đình để mọi thành viên trong nhà đều cảm nhận được bình an - hạnh phúc và coi gia đình là số 1.   

 

Có thể nói, mỗi gia đình thực sự “bình an - hạnh phúc”, thì xã hội mới bình an – hạnh phúc. Vì thế, cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp cần xác định công tác gia đình là một là nhiệm vụ thường xuyên, có một vị trí quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từ đó có chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình. Chú trọng hơn nữa việc truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh toàn cẩu hóa hiện nay; qua đó, giúp các gia đình bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đồng thời xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình... Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhất là các gia đình chính sách, gia đình người dân tộc thiểu số, người nghèo, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được những kiến thức về khoa học - kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế, pháp luật và phúc lợi xã hội...

 Nhật Huy (tổng hợp)

Để lại bình luận của bạn

NewsDetails.AddComment.Fields.CountEmty