Các bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học

Các bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học

SKĐS - Khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học thì xử lý như thế nào?

Bộ GD&ĐT vừa có quyết định phê duyệt Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Đây là tài liệu vừa được sửa đổi, bổ sung so với cuốn sổ tay đã được ban hành vào tháng 9/2020 nhằm bảo đảm phù hợp với công tác tổ chức dạy học trong tình hình mới.

Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học gồm hơn 20 trang với 3 nội dung chính:

  1. Thông tin chung về dịch COVID-19;
  2. Các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học;
  3. Các biện pháp bảo đảm trường học an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Các bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học

Ảnh minh họa.

Ở nội dung các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, sổ tay nêu rõ những công việc quan trọng và cần thiết đối với từng thành viên liên quan ở từng thời điểm, như: Trước khi học sinh đến trường; trong thời gian học tập tại trường; sau khi học sinh rời trường.

Đáng chú ý, ở phần này, để các phụ huynh có thể hướng dẫn, giúp đỡ trẻ mầm non, học sinh tiểu học thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại nhà, cuốn sổ tay chỉ rõ 10 việc mà học sinh cần làm tại nhà hằng ngày.

Liên quan đến các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học, cuốn sổ tay nêu rõ quy trình xử lý gồm 4 bước như sau:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của Sở giáo dục và cha mẹ học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0. Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 3 người/mẫu. Các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:

- Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.

- Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.

- Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.

Đỗ Vi
Để lại bình luận của bạn

NewsDetails.AddComment.Fields.CountEmty